Hơn 3,2 tỷ USD vốn nước ngoài đổ vào TP HCM nửa đầu năm

Vốn đầu tư nước ngoài chảy vào TP HCM trong 6 tháng đầu năm tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2019 của UBND TP HCM cho biết, tổng vốn đầu tư nước ngoài thu hút được là 3,21 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ 2018. Trong đó, vốn chảy vào chủ yếu thông qua hình thức M&A, với 2,37 tỷ USD, tăng 26,3% về số lượng và tăng 32,6% về vốn so với cùng kỳ.

Tiền góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước của nhà đầu tư nước ngoài chảy vào bất động sản nhiều nhất, chiếm 23,1%. Tiếp theo là khoa học và công nghệ (19,5%); bán buôn và bán lẻ (19,1%); chế biến, chế tạo (14,7%).

Hơn 3,2 tỷ USD vốn nước ngoài đổ vào TP HCM nửa đầu năm

Trong khi đó, có 598 dự án FDI được TP HCM cấp phép mới trong nửa đầu năm, với tổng vốn 539,76 triệu USD. Các lĩnh vực có vốn đầu tư nhiều nhất theo thứ tự vẫn là bất động sản (chiếm 41,8%), khoa học và công nghệ (21,9%); bán buôn và bán lẻ (19,5%); chế biến, chế tạo (5,8%). Vốn đổ về chủ yếu từ British Virgin Islands, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hong Kong.

UBND TP HCM cũng cho biết GRDP 6 tháng đầu năm ước đạt 611.525 tỷ đồng, tăng 7,86%, tương đương cùng kỳ. Trong đó, dịch vụ, công nghiệp tăng trưởng cao hơn nửa đầu năm 2018, còn xây dựng và nông nghiệp giảm nhẹ. Về cơ cấu trong GRDP, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 61,6%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 23,9%, khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng 0,7%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 13,8%.

Hơn 3,2 tỷ USD vốn nước ngoài đổ vào TP HCM nửa đầu năm

Thành phố nhận định, cơ cấu kinh tế địa phương tiếp tục tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, có lợi thế cạnh tranh là 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu có tiềm năng và là thế mạnh gồm: thương mại, tài chính – ngân hàng – bảo hiểm, du lịch, thông tin truyền thông, vận tải – cảng – kho bãi, khoa học – công nghệ, kinh doanh bất động sản, giáo dục và y tế.

Chỉ số sản xuất công nghiệp của TP HCM 6 tháng đầu năm ước tăng 7,0%, thấp hơn cùng kỳ. Một số ngành có chỉ số giảm như sản xuất chế biến thực phẩm; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại…

Nhìn chung, tăng trưởng kinh tế của Thành phố tương đương cùng kỳ 2018 nhưng dự toán thu ngân sách giao cho địa phương khá cao, là áp lực không nhỏ. Sáu tháng đầu năm, tổng thu ngân sách ước thực hiện 193.310 tỷ đồng, đạt 48,43% dự toán, tăng 7,04% so cùng kỳ.

Cả năm 2019, Trung ương giao cho Thành phố thu 400.000 tỷ đồng, tăng gần 6% so dự toán năm 2018 và tăng 8% so thực hiện năm 2018. Con số này cao gấp 1,1 lần tổng thu ngân sách của 4 thành phố trực thuộc trung ương khác (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ) cộng lại, là 365.900 tỷ đồng.

Theo bà Lê Ngọc Thùy Trang – Phó giám đốc Sở Tài chính, số giao dự toán năm 2019 đối với khu vực kinh tế tăng đến 21,15% so với năm 2018. Đây là con số quá cao, vượt khả năng huy động nguồn thu tại TP HCM.

Viễn Thông


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *