Không được chứng thực chữ ký trong Giấy ủy quyền liên quan đến việc mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, xác lập quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với bất động sản tại Việt Nam.
Đây là thông tin đáng chú ý trong Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng giao dịch (thay thế Thông tư số 20/2015/TT-BTP), do Bộ Tư pháp đang soạn thảo.
Theo Tờ trình của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Bộ Tư pháp, sau hơn 4 năm triển khai, các quy định của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP và Thông tư số 20/2015/TT-BTP đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc.
Đó là chưa có quy định về việc thu hồi văn bản đã chứng thực nếu phát hiện việc chứng thực không đúng quy định, có sai sót, gây lúng túng cho cơ quan thực hiện chứng thực và dẫn đến mỗi địa phương có một cách thực hiện khác nhau.
Việc quy định không phải hợp pháp hóa đối với một số loại giấy tờ như Giấy phép lái xe, văn bằng, chứng chỉ, bảng điểm kèm theo văn bằng chứng chỉ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp cho cá nhân đã gây khó khăn cho cơ quan thực hiện chứng thực khi xác định có phải bản chính hợp lệ hay không (do mẫu dấu của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài rất đa dạng).
Bên cạnh đó, hiện cũng chưa có quy định cụ thể, thống nhất về một số loại giấy tờ được hay không được chứng thực chữ ký, nhất là đối với những giấy tờ có nội dung ủy quyền, giấy tờ có nội dung hợp đồng, giao dịch nhưng pháp luật chuyên ngành hoặc hướng dẫn thủ tục trong lĩnh vực chuyên ngành lại cho phép chứng thực chữ ký. Ví dụ như văn bản ủy quyền vay vốn ngân hàng, một số giấy tờ bảo lãnh, cam kết cho con đi du học, lao động, giấy tờ mua bán, tặng cho xe máy…
Trong khi đó, một số văn bản có nội dung liên quan đến chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản (như cam kết về việc bán nhà; Giấy ủy quyền thực hiện các quyền liên quan đến quyền sử dụng đất…) thuộc diện không được chứng thực chữ ký theo Nghị định số 23/2015/NĐ-CP thì vẫn được cơ quan có thẩm quyền chứng thực chữ ký.
Ngoài ra, Tờ trình Dự thảo cũng nêu rõ, hiện đang có hiện tượng lợi dụng việc chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền để thực hiện một số hành vi như đòi nợ, khiếu kiện, khiếu nại… gây hoang mang, ảnh hưởng trật tự, an ninh xã hội ở một số địa phương. Cùng với đó là tình trạng lợi dụng văn bản chứng thực chữ ký thay cho bản chính giấy tờ khác như chứng thực chữ ký trong giấy tờ có nội dung về hộ tịch như cam kết về quan hệ cha, mẹ, con… đang tiềm ẩn phát sinh tranh chấp, rủi ro trong quan hệ, giao dịch dân sự, hành chính.
Thực tiễn kiểm tra, thanh tra chuyên ngành cho thấy, công tác chứng thực ở một số địa phương còn tình trạng tùy tiện trong việc ghi, thu phí chứng thực, lạm dụng việc chứng thực để hợp thức hóa giấy tờ giả, giấy tờ bị sửa chữa nội dung…
Để khắc phục các bất cập trên, Dự thảo Thông tư được xây dựng theo hướng bổ sung hướng dẫn về thu hồi, hủy bỏ văn bản đã chứng thực khi phát hiện có sai sót. Cụ thể, với việc chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký thì khi phát hiện có sai sót, Chủ tịch UBND cấp xã ký văn bản để thu hồi, hủy bỏ văn bản, giấy tờ chứng thực tại UBND cấp xã; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp huyện ký văn bản để thu hồi, hủy bỏ văn bản, giấy tờ chứng thực tại Phòng Tư pháp. Đối với việc chứng thực hợp đồng, giao dịch không bảo đảm đúng quy định thì giải quyết thu hồi, hủy bỏ theo quy định của pháp luật dân sự.
Ngoài ra, UBND cấp xã, Phòng Tư pháp có trách nhiệm giải quyết việc bồi thường thiệt hại (nếu có) do lỗi của cơ quan thực hiện chứng thực đối với người yêu cầu chứng thực. Đồng thời, kiến nghị cơ quan có liên quan xử lý trách nhiệm đối với người yêu cầu chứng thực, người dịch nếu do lỗi của người yêu cầu chứng thực, người dịch.
Để khắc phục, hạn chế tình trạng sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả, Dự thảo quy định theo hướng bỏ nội dung Giấy phép lái xe, bằng tốt nghiệp, chứng chỉ và bảng điểm kèm theo bằng tốt nghiệp, chứng chỉ không phải thực hiện hợp pháp hóa lãnh sự khi chứng thực bản sản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký người dịch.
Đồng thời, bổ sung hướng dẫn cụ thể về một số giấy tờ, văn bản được hoặc không được chứng thực chữ ký, quy định cụ thể việc cho phép chứng thực chữ ký đối với một số giấy tờ có nội dung đơn giản, phổ biến hoặc áp dụng đối với một nhóm đối tượng để tạo điều kiện đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm chi phí cho người dân, đặc biệt là các đối tượng chính sách (ví dụ như người nghèo thực hiện vay vốn tại ngân hàng chính sách); không cho phép chứng thực chữ ký đối với văn bản có nội dung liên quan đến giấy tờ được cấp theo quy định của pháp luật.
Để nhấn mạnh nguyên tắc người chứng thực chịu trách nhiệm về mặt hình thức, người yêu cầu chứng thực chịu trách nhiệm về mặt nội dung, tính hợp lệ, hợp pháp của giấy tờ, văn bản, Dự thảo quy định rõ người yêu cầu chứng thực phải hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với tất cả nội dung, tính hợp lệ, hợp pháp của giấy tờ, văn bản của họ khi yêu cầu chứng thực.
1. Những văn bản có nội dung liên quan đến các giấy tờ đã được cấp theo quy định của pháp luật
Ví dụ: Văn bản tự khai hoặc cam kết liên quan đến các sự kiện hộ tịch như khai sinh, khai tử, kết hôn, nhận cha, mẹ, con; văn bản cam đoan, cam kết, xác nhận liên quan đến ngành nghề đăng ký kinh doanh, bằng cấp, chứng chỉ, chứng nhận sức khỏe, lý lịch tư pháp…
2. Giấy ủy quyền liên quan đến việc mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, xác lập quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với bất động sản tại Việt Nam;
3. Giấy ủy quyền liên quan đến khiếu nại, tố cáo;
4. Các trường hợp được quy định tại Điều 25 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP.
Dự án Richland DIC - ngay trung tâm Hiệp Phước, Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai…
Bán nhà hoàn thiện nội thất Richland DIC Hiệp Phước Thăng Long Home Dự án…
10 tiện ích tại KDC Thăng Long Home Hiệp Phước Nhơn Trạch, Đồng Nai. Đây…
Cho Thuê Nhà Khu Dân Cư #THĂNGLONGHOME - Nội Thất Đầy Đủ - 2 Phòng…
Thăng Long Home ra mắt Long Môn tại Fiatocity năm Rồng 2024 Chẳng cần đợi…
CHO THUÊ NHÀ NGUYÊN CĂN KDC #THĂNGLONGHOME ĐẦY ĐỦ NỘI THẤT CHỈ TỪ #9TRIỆU_THÁNG Thiết kế: 1 trệt…